Ba Mẹ Tôi - Chương 1
01.
Trong buổi họp phụ huynh, có hai người mẹ thu hút sự chú ý nhất lớp.
Một là mẹ tôi.
Bởi vì suốt hai năm qua, tôi luôn đứng nhất toàn trường, chưa từng tuột hạng.
Giải thưởng toán nâng cao, thi hùng biện tiếng Anh, vật lý… nhiều đến mức đếm không xuể.
Mỗi lần giáo viên mở miệng khen ngợi ai, chắc chắn tên tôi luôn được nhắc đến đầu tiên.
Tất cả phụ huynh đều vây quanh mẹ tôi hỏi kinh nghiệm nuôi dạy, mẹ tôi bị vây ở giữa đến mức không biết trả lời ai trước, nụ cười trên mặt như sắp nứt đến sau gáy.
Người còn lại là mẹ của Giang Ngọc.
Số lần trốn học của cô ta còn nhiều hơn số lần tôi đứng đầu, bạn trai thay nhiều hơn cả số giải thưởng toán tôi giành được.
Ngày nào cũng mặc chiếc quần bó do tự tay sửa, trang điểm đậm, thành tích thi cử cũng ổn định giống tôi, nhưng ổn định ở vị trí cuối bảng.
Là học sinh nổi tiếng có vấn đề, mẹ của Giang Ngọc gần như ba ngày hai bữa bị mời đến trường.
Mỗi lần họp phụ huynh, thầy cô tuy không tiện nhắc đến trước mặt mọi người để giữ thể diện, nhưng vì Giang Ngọc quá nổi tiếng, chẳng phụ huynh nào không biết, ai cũng tránh xa mẹ cô ấy.
Bà ấy đứng đó, xung quanh cách hai mét không có lấy một ai, tạo nên sự đối lập rõ rệt với mẹ tôi.
Người ta thường nói: “Rồng sinh chín con, chín con đều khác nhau.”
Thỉnh thoảng tôi nhìn gương mặt Giang Ngọc giống tôi đến tám phần, lại cảm thấy có chút cảm thán.
Cùng chui ra từ một cái bụng, sao lại khác nhau đến vậy?
17 năm trước, mẹ Giang Ngọc là Trương Diễm Lệ, sinh một cặp song sinh trong bệnh viện.
Chính là tôi và Giang Ngọc.
Lúc đó, bà nội Giang Ngọc mặt lạnh như tiền, không nói một lời liền bỏ đi.
Cha cô – Giang Đại Minh – cũng không vui, cau mày nhìn Trương Diễm Lệ:
“Hai đứa con gái? Cô định tuyệt hậu nhà họ Giang à?”
Trương Diễm Lệ vừa giận vừa lo, còn chưa kịp mở miệng, bà nội Giang Ngọc đã vòng trở lại.
Bà ta chỉ vào tôi và Giang Ngọc, mặt không cảm xúc:
“Nhà này không nuôi hai đứa con gái. Phải đem một đứa đi.”
Tôi chính là đứa xui xẻo bị đem đi.
Bởi vì ai cũng thấy rõ sự khác biệt giữa tôi và Giang Ngọc.
Bác sĩ nói trong bụng mẹ, chúng tôi tranh nhau dinh dưỡng dữ dội.
Cô ấy trắng trẻo mập mạp, nặng sáu cân tám lạng.
Còn tôi? Cơ thể chẳng to hơn lon nước ngọt là bao, khắp người tím tái, thở ra thì nhiều, hít vào chẳng bao nhiêu.
Vừa sinh ra đã phải vào lồng ấp.
Họ chẳng hề do dự, chọn Giang Ngọc.
Bởi vì mỗi ngày nằm trong lồng ấp là thêm tiền, và với họ, một đứa con gái không đáng để tốn kém đến vậy.
Họ nhất định phải đem tôi ra khỏi đó.
Bác sĩ đã nói rất rõ, với thể trạng của tôi, đem ra ngoài chẳng khác gì chờ chết.
Thế nhưng họ vẫn nhất quyết bế tôi về, tìm người đổi lấy chút tiền gọi là “phí dinh dưỡng”.
Lúc đó, mẹ tôi – chính là bác sĩ đỡ đẻ của tôi, thấy tôi quá đáng thương, không nỡ trơ mắt nhìn tôi bị đưa đi chết, sau một hồi do dự liền về bàn với ba tôi.
Ba tôi đến nhìn tôi một cái, rồi cũng mềm lòng.
Cuối cùng, ông cắn răng, đập bàn một cái, quyết định bỏ ra ba ngàn tệ để đưa tôi về nuôi.
Thời đó, ba ngàn tệ không phải con số nhỏ. Lương của cả hai vợ chồng một tháng chỉ vài trăm, số tiền ấy là tiền tích góp nhiều năm, giờ đem ra hết để đổi lấy một đứa con gái bé nhỏ, còn không biết có nuôi nổi hay không.
Mẹ tôi sau này kể lại rằng, lúc đó tôi bé tí tẹo, bà vừa nói vừa làm động tác, đôi mắt còn chưa mở, co rúm lại trông đáng thương vô cùng.
Bà thở dài: “Con không biết đâu, mấy ngày đầu đưa con về nhà, ba mẹ chẳng dám ngủ, cứ vài phút lại phải chạy qua nhìn con một lần. Con còn chẳng to bằng một con mèo con, quấn trong chăn cũng chẳng thấy đâu.”
Lúc đó, ông bà nội, ông bà ngoại tôi đều kiên quyết phản đối. Hai vợ chồng trẻ, con ruột còn chưa sinh mà đã nhận nuôi một đứa bé gái, lại còn không biết có nuôi nổi không.
Thời đó, chính sách kế hoạch hóa gia đình rất nghiêm ngặt, mỗi nhà chỉ được có một con. Nhận nuôi tôi đồng nghĩa với việc ba mẹ không thể sinh thêm con ruột nữa.
Căng thẳng kéo dài vài ngày, cuối cùng họ đến bệnh viện nhìn tôi một lần.
Mẹ tôi khóc, chỉ vào tôi:
“Nếu không nhận con bé, nó sẽ chết mất!”
Cuối cùng, họ cũng thở dài đồng ý.
Cả nhà tôi đều mềm lòng, không chịu nổi khi nhìn người khác chịu khổ.
Ba mẹ tôi đưa cho nhà họ Giang ba ngàn tệ nhưng có điều kiện: họ phải ký giấy cam kết, từ nay về sau không được đến nhận tôi lại.
Cắt đứt hoàn toàn, coi như không có đứa con này.
Giang Đại Minh còn chần chừ, nhưng Trương Diễm Lệ thì ánh mắt đã dán chặt vào số tiền ba ngàn đó, dùng sức đẩy ông ta một cái.
Bà nội Giang Ngọc cười lạnh, dứt khoát bảo Giang Đại Minh viết giấy cam kết, còn thêm một câu:
“Dù sống hay chết, cũng không được tìm lại nhà họ.”
Chắc họ sợ ba mẹ tôi sau này không muốn nuôi nữa sẽ trả tôi về.
Thế là từ con gái của công nhân xưởng giày Giang Đại Minh và nội trợ Trương Diễm Lệ, tôi trở thành con gái của ông chủ tiệm ăn Lục Đống Tài và bác sĩ phụ sản Ngô Hiểu Hoa.
Khi đó, ai thấy tôi cũng phải thở dài, khuyên ba mẹ tôi mau trả tôi về cho người ta.
“Nuôi một đứa con gái đã đành, lại còn là đứa ốm yếu, sau này chắc chắn là gánh nặng. Mau trả lại rồi sinh một đứa con ruột mới là đúng đắn.”
Ba mẹ tôi chỉ cười cho qua. Sau này, ai nói lại chuyện đó là ba mẹ lập tức trở mặt, dần dần cũng chẳng ai dám nhắc đến nữa.
Chỉ còn vài kẻ độc mồm vẫn luôn lải nhải trước mặt tôi, thế nên từ nhỏ tôi đã biết mình thực ra không phải con ruột.
Nhưng tôi không để tâm. Ba mẹ tôi chỉ có mình tôi, đối xử chẳng khác nào con ruột.
Những lời đàm tiếu của hàng xóm kéo dài đến khi tôi vào tiểu học thì dừng lại.
Bởi vì vào năm tôi học lớp một, thầy hiệu trưởng đích thân đến nhà tôi.
Ban đầu ba mẹ tôi tưởng tôi gây ra chuyện gì ở trường, cả hai luống cuống, hai người ba mươi mấy tuổi ngồi trên ghế sofa mà như hai đứa trẻ, căng thẳng đến mức tay chân thừa thãi, trông còn giống học sinh tiểu học hơn cả tôi.
Khu nhà chúng tôi lúc đó là nhà tập thể, hầu hết con cái các gia đình đều học cùng một trường tiểu học, mọi người đều biết hiệu trưởng. Vài người hàng xóm đứng tụ tập ngoài cửa nhà tôi, tò mò hóng chuyện.
Ba tôi căng thẳng đến mức mặt tái mét, xoa xoa tay nhìn hiệu trưởng, dè dặt hỏi:
“Hiệu trưởng Hà, con bé Nhân Nhân nhà tôi…?”
Hiệu trưởng cười xua tay:
“Ba của Lục Nhân, đừng lo lắng. Con bé rất ngoan ngoãn, không có gây chuyện gì cả.”
Ba tôi thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt cuối cùng cũng nở nụ cười:
“Vậy… thầy đến là có chuyện gì ạ?”
Hiệu trưởng tiếp tục:
“Chuyện là thế này, chúng tôi nhận thấy Lục Nhân tiếp thu bài rất nhanh. Mấy ngày gần đây chúng tôi đã làm vài bài kiểm tra nhỏ, phát hiện con bé đã học xong chương trình lớp ba rồi. Tôi muốn hỏi liệu có phải ở nhà, phụ huynh đã dạy trước không?”
Ba mẹ tôi đều ngơ ngác.
Mẹ tôi liếc nhìn tôi một cái, lắp bắp:
“Không… không có mà?”
Hiệu trưởng mắt sáng lên, hỏi tiếp:
“Vậy là con bé tự học trước ở nhà sao?”
Mẹ tôi càng thêm bối rối:
“Không, con bé về nhà toàn giúp làm việc, rồi đi chơi, chưa bao giờ thấy nó học ở nhà.”
Hiệu trưởng trầm ngâm một lúc, thận trọng nói:
“Mẹ của Lục Nhân, tôi nghĩ có thể con bé là một thiên tài. Tôi đề nghị phụ huynh đưa cháu đi kiểm tra IQ. Bây giờ cháu đã có thể học nhảy lớp, phụ huynh có thể cân nhắc.”
Hôm đó, ba mẹ tôi tiễn thầy hiệu trưởng đi trong trạng thái ngơ ngác. Vừa lúc đó, bà Vương hàng xóm bên cạnh cười mỉa nói lớn với mẹ tôi:
“Sinh con gái đã chẳng ra sao rồi, huống chi còn là con nuôi. Tiểu Ngô, tôi khuyên cô nên chuẩn bị tinh thần, mau…”
Hiệu trưởng Hà nghe thấy, cau mày nói:
“Tôi đến đây vì Lục Nhân có thể là một thiên tài, tôi khuyên ba mẹ Lục Nhân nên đưa cháu đi kiểm tra IQ, đừng để lỡ mất.”
“Thiên tài á?!” Bà Vương như bị nghẹn họng, mặt đỏ lên, phản bác:
“Một đứa con gái làm sao có thể là thiên tài chứ? Hiệu trưởng Hà, thầy xem ba thằng con trai nhà tôi ấy, đứa nào cũng thông minh, tụi nó mới là thiên tài!”
Hiệu trưởng Hà cười nhẹ:
“Ba cậu con trai nhà bà Vương phải không? Cũng nghịch ngợm ra phết đấy, nhưng hay là bảo chúng học lại phép cộng trừ trong phạm vi mười trước đã. Lục Nhân bây giờ đã giải được bài toán gà thỏ trong chuồng rồi.”
“Gà gì? Thỏ gì?” Bà Vương ngẩn người, mặt ngơ ngác.
Những người xung quanh sững sờ, chỉ trỏ vào tôi:
“Tôi đã bảo mà, con gái nhà họ Lục ngoan ngoãn lắm, từ hồi ba bốn tuổi đã biết giúp ba trông quán, chưa bao giờ gây chuyện.”
Một người phụ nữ khác nhìn mẹ tôi với ánh mắt ngưỡng mộ:
“Đúng rồi, lại còn thông minh như thế. Tiểu Ngô, cô đúng là có phúc!”
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhận nuôi tôi, người ta khen mẹ tôi có phúc.
Trước đây, mọi người chỉ toàn bảo mẹ tôi ngốc nghếch.
Mẹ tôi cười đến lú lẫn, cố gắng giữ vẻ khiêm tốn:
“Chưa chắc đâu, hiệu trưởng bảo đưa con bé đi kiểm tra đã.”
Nhưng vừa đóng cửa lại, mẹ tôi đã vui đến ngây người, phấn khích nắm tay ba tôi nói to:
“Em đã biết con gái mình là thiên tài rồi! Anh còn nhớ lần đó không? Ở quán ăn, bao nhiêu người lớn tính toán mãi không ra, con bé vừa nhìn đã tính được ngay!”
Ba tôi cũng cười hớn hở, ôm tôi vui vẻ:
“Con gái mình nhất định là thiên tài! Cuối tuần này chúng ta cùng đưa con đi kiểm tra. Vừa rồi hiệu trưởng bảo đi đâu nhỉ? Bệnh viện số 9 phải không?”
Ba mẹ tôi không đợi đến cuối tuần, cả hai hào hứng đến mức thức trắng đêm, sáng hôm sau đã đưa tôi đến bệnh viện số 9.
Kết quả IQ đo được là 158, chuẩn thiên tài.
Hôm đó, cả khu nhà tập thể đều chấn động, ai cũng biết cô con gái nuôi của Lục Đống Tài là một thiên tài.
Ban đầu mẹ tôi còn định giấu chuyện này, nhưng người ta hỏi là bà lại không nhịn được mà khoe. Đến tối, bà vừa sung sướng vừa lo lắng, thầm thì với ba tôi:
“Anh nói xem, nếu sau này con bé học không theo kịp, áp lực lớn thì phải làm sao?”
Ba tôi thì thoải mái, ôm mẹ tôi an ủi:
“Yên tâm đi, nhìn con bé mà xem, tối nay còn ăn hết nửa đĩa sườn đấy, nó không nghĩ nhiều đâu.”
Sau này chứng minh rằng ba tôi đã đúng.
Tôi chẳng hề bận tâm đến những chuyện đó, cũng không có nhảy lớp.