Anh Thích Gia Quy À? - Chương 1
1
Ngồi trong phòng khách bé xíu nhà họ Lâm, đối diện với ba mẹ và em trai bạn trai, tôi có hơi căng thẳng.
Mẹ Lâm Văn Kiệt nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt rồi mới lên tiếng: “Giả Tần, Văn Kiệt nói con rất thích nó, sẵn sàng lấy nó làm chồng, làm con dâu bác hả?”
Câu này hỏi kiểu gì mà tôi biết trả lời sao cho vừa?
Tôi cúi đầu liếc nhìn Lâm Văn Kiệt.
Thấy tôi im lặng, mẹ hắn liền nghiêm mặt: “Giả Tần, con phải nhớ, ở nhà họ Lâm, người lớn hỏi thì phải trả lời.”
Ủa?
Định phủ đầu tôi đây hả?
Tôi ngẩng lên, bình tĩnh đáp: “Ồ.”
“Không được nói ‘ồ’, phải nói ‘dạ biết rồi, dì ạ’.”
Tôi suýt buột miệng chửi thề.
Mới tới ra mắt mà đã bày luật lệ với quy củ, gì vậy trời!
Lâm Văn Kiệt huých khuỷu tay vào tôi: “Mẹ đang nói chuyện với em đó.”
Trong đầu tôi như có cả bầy ngựa đang phi loạn, nhưng nhớ tới mục đích đến đây, tôi cắn răng nhịn, miễn cưỡng nói: “Dạ biết rồi, dì ạ.”
“Vậy thì dì nói trước cho rõ: nếu muốn gả vào nhà dì, thì phải tuân thủ quy tắc của nhà họ Lâm.”
Tôi liếc quanh căn phòng khách chưa tới ba chục mét vuông, trong lòng cười khẩy.
Cả nhà họ Lâm chỉ có đúng căn hộ 78 mét vuông, chia làm ba phòng ngủ, một phòng khách, một bếp, một nhà vệ sinh.
Phòng nào cũng bé xíu.
Mà cũng dám gọi là “phủ”?
Ngoài miệng tôi vẫn lễ phép: “Dì cho con hỏi, nhà mình có những quy tắc gì ạ?”
“Con kết bạn Wechat với dì, dì gửi con bản gia quy.”
Kết bạn xong, mẹ hắn gửi tôi một file pdf dài tới 98 trang, tên là “Gia quy nhà họ Lâm – Bản cập nhật mới nhất năm 2024”.
Bà ta bảo: “Nếu con thật lòng muốn lấy đứa con trai quý báu của dì, thì phải học thuộc lòng bản gia quy này và thực hiện đúng hết từng điều. Nếu không làm được, thì không đủ tư cách bước chân vào nhà họ Lâm.”
Tôi lướt sơ qua, hỏi: “Ý chính của bản quy tắc này là: mọi thứ đều phải ưu tiên người lớn, ưu tiên đàn ông, ưu tiên con cái đúng không ạ?”
Bà ta gật đầu: “Đúng vậy, không có người lớn thì lấy đâu ra con cháu? Không có đàn ông thì con dâu làm sao bước vào nhà này? Trẻ con thì nhỏ dại, càng cần được chăm chút.”
Hừ, nói trắng ra là: tất cả khổ sở đều đổ lên đầu con dâu chứ gì!
2
“Nhà họ Lâm chúng ta từ đời này sang đời khác đều sống như vậy. Không có quy củ thì không nên hình. Mỗi đời con dâu đều có sứ mệnh và trách nhiệm riêng.”
Tôi đáp cho có lệ: “Ồ.”
Mẹ anh ta trừng mắt nhìn tôi một cái.
Tôi sửa lại: “Dạ, con biết rồi, dì ạ.”
“Mỗi ngày phải ‘báo cáo sáng, tổng kết tối’, tự kiểm điểm xem mình đã làm sai gì, phải biết tự nhận sai và chấp nhận hình phạt.”
“Phạt ạ?”
“Không được dùng giọng nghi vấn hay chất vấn khi nói với trưởng bối, không được cãi lại. Trưởng bối nói gì cũng chỉ được đáp ‘Dạ, con biết rồi, dì ạ’.”
Tôi: ……
“Ở nhà họ Lâm, đàn ông là trời. Văn Kiệt nói gì với con, con cũng phải lễ phép trả lời: ‘Dạ, em biết rồi, chồng ơi’.”
Tôi nghi ngờ mình bị xuyên không về thời nhà Thanh. Nhà này tuy không bó chân, nhưng có vẻ đã bó não rồi.
Lâm Văn Kiệt lại huých tôi: “Mẹ đang nói chuyện với em, sao không đáp?”
Tôi lườm anh ta một cái trong lòng, ngoài mặt vẫn cười tươi: “Dạ, em biết rồi, Văn Kiệt.”
Mẹ anh ta nói: “Văn Kiệt nói đúng. Trưởng bối và đàn ông nói chuyện với con, không được làm lơ, phải trả lời. Ngoài ra, con phải gọi Văn Kiệt là chồng yêu hay ông xã, để người khác biết con là con dâu nhà họ Lâm.”
Tôi quyết định đổi chủ đề: “Dì ơi, trong quy củ có viết là dì thích ăn thịt heo, chú thích thịt bò và cừu, Văn Kiệt thích thịt gà, em trai chỉ ăn thịt thỏ?”
Mẹ anh ta gật đầu: “Đúng vậy, con phải nhớ, các loại thịt không được lẫn vị. Mỗi lần xào một món, phải rửa sạch chảo, muỗng, xẻng thật kỹ.”
“Tốt ạ.”
“Còn nữa, có một việc rất quan trọng, liên quan đến sự hưng thịnh ngàn đời của nhà họ Lâm.”
“Việc gì ạ?”
“Con phải bắt đầu chuẩn bị mang thai từ bây giờ. Sau khi cưới, ba năm phải có hai con, trong đó nhất định phải có một đứa con trai. Vì ‘bất hiếu có ba, vô hậu là lớn nhất’, có con trai mới không thẹn với tổ tiên, mới bảo đảm dòng họ Lâm hưng thịnh mãi mãi.”
Tôi: ……
Tổ tiên nhà họ Lâm có công lao hiển hách gì chăng? Có cống hiến lớn lao gì cho đất nước không?
Còn bắt buộc phải sinh con trai để kế thừa?
Tôi biết những người thực sự có đóng góp to lớn cho quốc gia và nhân dân, thường sống giản dị, chứ không có nhiều quy tắc rắc rối như thế.
Lâm Văn Kiệt lại huých tôi: “Mẹ đang nói với em đó, sinh con trai là trách nhiệm của em, mau thể hiện thái độ đi.”
Tôi thực sự muốn nhảy lên đá anh ta bay vào mộ tổ, để tổ tiên nhà anh ta xem thử dòng dõi họ Lâm cuối cùng sinh ra được cái thể loại gì!
3
Nhưng nghĩ đến mục đích mình đến đây, tôi lại nhịn xuống, cười toe toét nói: “Dạ biết rồi dì ạ, cưới xong là ba năm hai đứa. Mà nhà mình to thế, sản nghiệp lớn thế, chắc chỉ có một đứa con trai là không đủ đâu. Con sẽ cố gắng sáu năm bốn đứa, chín năm sáu đứa, cứ càng nhiều càng tốt ạ.”
Mẹ Lâm lắc đầu: “Không cần sinh nhiều vậy đâu, chỉ cần có một thằng con trai để nối dõi là được rồi.”
Tôi cũng lắc đầu: “Một đứa là không đủ đâu dì, bây giờ xe cộ đầy đường, rủi ro nhiều lắm. Để chắc ăn, sinh dư ra vài đứa vẫn tốt hơn.”
Mặt bà ta bắt đầu tối sầm lại.
Lâm Văn Kiệt vỗ tôi một cái: “Nghe mẹ đi, đừng nói nhiều.”
“Dạ,” tôi lại chuyển đề tài, “Dì ơi, còn quy định nào quan trọng nữa không ạ?”
Sắc mặt mẹ hắn dịu đi một chút: “Mỗi ngày sáng năm giờ, dì với chú dậy tập thể dục, nên bốn giờ con phải dậy trước, tranh thủ ra chợ sớm mua đồ giảm giá về nấu bữa sáng. Thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt gà, thịt thỏ – ngày nào cũng phải có đủ. Tiền ăn mỗi ngày phải khống chế trong khoảng mười đến mười lăm đồng, vượt quá thì phạt tiền.”
Trong bụng tôi lại lật thêm một cú trắng mắt.
Hơn mười đồng mà đòi mua đủ năm loại thịt?
Vượt ngân sách còn bị phạt?
Phạt ai?
Nói trắng ra là: ai nấu ăn người đó sai, ai đi chợ người đó có tội?
Mẹ Lâm tiếp tục lải nhải: “Nhớ kỹ, nhà họ Lâm không nuôi người ăn không ngồi rồi, nên con nhất định phải đi làm, như vậy mới có tiền sinh hoạt, có tiền nộp phạt. Văn Kiệt sẽ không giúp con trả tiền phạt đâu. Với lại, nhà họ Lâm nghiêm lắm, phạm lỗi là phải chịu phạt, có thể bị phạt đứng, phạt quỳ, không cho ăn cơm…”
Tôi thực sự muốn biết, một gia đình lạ đời thế này, sao còn sống sót được ở xã hội hiện đại?
Trước giờ trong nhà họ, ai là người hay bị phạt vậy?
Mẹ Lâm thao thao bất tuyệt một hồi lâu cuối cùng cũng dừng lại: “Những chuyện dì nói là mấy việc quan trọng đó, con nhớ hết chưa?”
Tôi gật đầu: “Dạ nhớ rồi ạ.”
“Vậy bữa trưa hôm nay giao cho con lo, để dì coi thử con làm được không.”
Lâm Văn Kiệt chen vào: “Mẹ yên tâm, Giả Tần làm tốt mà.”
4
Tôi vào bếp bắt đầu lăn vào chiến trường.
Mẹ Lâm cũng bước vào, chắc định chỉ dạy gì đó, nhưng thấy tôi vừa nấu vừa đối chiếu bản gia quy nhà họ Lâm và bảng dinh dưỡng dán sau cửa bếp, làm việc đâu ra đấy, bà ta hài lòng quay ra ngoài.
Tôi bày hết kỹ năng gia truyền, làm hẳn bốn món mặn, bốn món chay, thêm một món canh — tổng cộng chín món.
Đến giờ ăn, năm người ngồi quanh bàn.
Mẹ Lâm lên tiếng trước: “Giả Tần à, con nấu nhiều món quá rồi. Năm người thì bốn món mặn, một món chay là đủ.”
Tôi giải thích: “Con cố tình làm đủ chín món, lấy ý nghĩa cửu cửu trường thọ, mong chú dì khỏe mạnh sống lâu.”
“Ý nghĩa thì cũng tốt, nhưng không được phô trương lãng phí, nấu bốn món mặn hai món chay là được rồi, lục lục đại thuận mà. Nhà mình ăn cơm lúc nào cũng phải sạch sành sanh, không được để thừa. Còn thừa là phải phạt tiền.”
Tôi chỉ vào đám đĩa nhỏ như lòng bàn tay: “Con xào mỗi món rất ít, đĩa cũng không đầy, chắc ăn hết được ạ.”
Chén bát nhà họ nhỏ đến buồn cười, phải nói là kích cỡ đồ chơi cũng không sai.
Cái chén cơm chẳng khác gì ly rượu, tôi chỉ cần một muỗng là hết cả chén.
Chưa kể, với mức chi tiêu mỗi ngày không được quá mười lăm đồng, tôi có muốn nấu nhiều cũng không có cách.
Một đĩa chỉ vài lát thịt, thêm mấy cọng rau rẻ tiền, không thể vượt mức được.
Mẹ Lâm gắp một miếng thịt xông khói tí hon từ cái đĩa tí hon, ăn thử rồi nói: “Mặn quá, nấu ăn phải ít dầu ít muối, tốt cho sức khỏe.”
Tôi vội gắp nốt miếng còn lại ăn luôn, gật đầu: “Dạ đúng là hơi mặn, để con thử mấy món khác nữa.”
Tôi tranh thủ nếm luôn một miếng thịt bò, một miếng gà, một miếng thịt thỏ.
Sau đó nói: “Mấy món kia vừa miệng, chỉ có thịt xông khói là hơi mặn. Nhưng mà thịt đó là nhà mình tự muối, con không biết lại mặn vậy.”
Mặt mẹ hắn tối sầm lại như thể tôi vừa tát thẳng vào mặt bà ta.
Ba Lâm lên tiếng: “Con bé này, dì con góp ý là vì muốn tốt cho con, sao cứ cãi hoài vậy? Phải biết khiêm tốn tiếp thu thì mới tiến bộ được chứ, dì con chẳng lẽ lại hại con sao?”
Rồi, ngay cả việc giải thích cũng không được, vậy thôi các người muốn nói gì thì cứ nói, tôi nghe bằng hai tai là được chứ gì.
Mẹ Lâm bắt đầu sai tôi làm không ngừng: múc cơm cho từng người, đưa khăn giấy, rót nước…
Chén cơm nhỏ như ly rượu, mỗi người ăn một hơi là hết, tôi phải chạy đi chạy lại suốt bữa.
Cuối cùng họ cũng ăn xong, dọn sạch hết đồ ăn, chỉ còn lại nửa bát canh.
Mẹ Lâm nhìn đáy đĩa rồi phán: “Đáy đĩa còn nhiều dầu như vậy, chứng tỏ con cho dầu quá tay.”
Má nó!
Tôi thật sự chỉ muốn lật bàn ngay tại chỗ!