Âm Mưu Con Dấu Giả Của Cha Mẹ - Chương 4
Vừa xuống máy bay, tôi đã thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ trên điện thoại.
Tôi chỉ gọi lại cho chị cả.
Chị cả: “Em làm chị sợ chết khiếp, sao không nghe máy gì cả?”
Tôi: “Em về trường rồi.”
Đầu dây bên kia rất ồn, tôi lờ mờ nghe thấy tiếng em trai đang chửi.
Chị cả: “Em đi mà không nói một tiếng nào…”
Tôi: “Chị đang bật loa ngoài đấy à? Thế em cúp máy đây.”
Chị cả: “Đừng đừng đừng, không phải…”
Tôi: “Tắt loa đi, em có chuyện muốn nói riêng với chị.”
Tôi nghe thấy đầu bên kia có chút xáo động, sau đó yên tĩnh lại.
Tiếng chị cả vang lên trong ống nghe: “Nói đi.”
Tôi: “Thứ nhất, em không chắc nhà trai có báo công an không, nên chị đừng đi gây chuyện với họ. Lỡ như bị quy vào đánh nhau hay lừa đảo, sẽ ảnh hưởng đến việc con chị thi công chức sau này.
Thứ hai, sau khi chị hai tỉnh, em khuyên nên bỏ tiền nhờ người quen xin làm đơn nghỉ việc chứ đừng để bị buộc thôi việc. Làm vậy sẽ không để lại vết trên hồ sơ. Cho chị ấy chuyển đến một thành phố nhỏ, dù gì cũng có vài năm kinh nghiệm giảng dạy, vào trung tâm giáo dục nào đó vừa làm vừa ôn thi biên chế cũng được.
Thứ ba, điều quan trọng nhất: để thằng Diệu Tổ và ba tự đi giải quyết đi. Hưởng lợi là nó, sao lúc gặp chuyện lại để chị đứng ra chịu trận?”
Chị cả im lặng.
Tôi thở dài, rồi cúp máy.
Chuyện sau đó xử lý thế nào, tôi không rõ ràng lắm.
Chỉ là thỉnh thoảng trò chuyện với chị cả, nghe loáng thoáng vài câu.
Chị cả kể:
“Vì em hai tự sát, nhà trai cũng thấy chột dạ, cuối cùng không dám báo công an. Bọn chị trả lại mười vạn tiền sính lễ, coi như chấm dứt. Em nói trước đó là làm giả con dấu là phạm pháp, chị với em hai mang chuyện đó ra ép ba mẹ, họ mới chịu đưa nốt mười vạn còn lại cho em hai.
Em hai cuối cùng vẫn nghỉ việc. Em ấy hối hận lắm, bảo không nên làm em giận mà bỏ đi.”
Tôi: “Chị cả, chị cứ nói thẳng đi.”
Chị cả cười gượng:
“Em hai lần này thật sự biết lỗi rồi, muốn gặp em xin lỗi, mong sau này hai đứa sống hòa thuận lại. Nên… em ấy muốn đến chỗ em…”
Tôi bỗng thấy ngột ngạt.
Tôi không ngần ngại suy nghĩ về gia đình mình bằng ác ý, vì tôi không chịu nổi bất kỳ rủi ro nào.
Tôi bình tĩnh đáp:
“Với bằng cấp của chị ấy thì không đủ tiêu chuẩn ở thành phố lớn. Em vẫn khuyên nên tìm một nơi nhỏ mà làm việc.”
Chị cả: “Chị khuyên không nổi. Em ấy đã mua vé tàu đi A thị rồi. Em học ở A Đại đúng không?”
Tôi gần như không nén được tức giận:
“Ý chị là gì? Nhắc đến trường em làm gì? Định uy hiếp em? Ép em phải gánh vác?”
Chị cả vội vã phủ nhận:
“Không không, sao lại thế được! Chỉ là nghĩ có người thân thì dễ bề chăm sóc hơn thôi. Em yên tâm, chị dặn rồi, em hai sẽ không làm phiền em đâu…”
Tôi ngắt lời:
“Chị rõ ràng biết chị hai đối xử với em thế nào. Tốt nhất là đừng để chúng em ở gần nhau, tránh gây tởm cho nhau.”
Chị cả cố gắng thuyết phục:
“Em ấy chưa từng ra khỏi tỉnh, giờ bảo đến một nơi không quen biết ai thì sao em ấy chịu?”
Tôi dịu giọng:
“Chị à, bao năm nay em học hành, chẳng phải cũng là một thân một mình đó sao?”
Chị cả im lặng vài phút, tôi chỉ nghe thấy tiếng thở của chị ấy.
Tôi nói tiếp:
“Chị à, em với chị hai đều là em gái của chị, chị cũng thương em một chút đi.”
Giọng chị cả có phần do dự:
“Em ba, em ấy từng tự tử rồi, giờ yếu đuối lắm. Một mình đến nơi xa, em yên tâm được sao? Với lại, giờ em ấy đang ở trên chuyến tàu đến A thị rồi…”
Tôi nghĩ thầm: Quả nhiên, con người luôn thiên vị kẻ yếu.
Tôi lạnh lùng đáp:
“Năm em mười tám tuổi vào đại học, chỉ mang theo một ngàn đồng trong người mà vẫn dám rời nhà. Khi ấy sao chị yên tâm được?
Chị cả, em thật lòng biết ơn vì ngày xưa chị giúp em rất nhiều, em cũng coi chị là người thân.
Giờ chị đã mở lời, em cũng không thể không nể mặt. Thế này đi, em có một người bạn làm ở cơ sở giáo dục tư ở A thị, em sẽ gửi WeChat bạn ấy cho chị hai. Có được việc hay không, còn phải xem năng lực của chị ấy.”
Chị cả nghe vậy tưởng tôi đã mềm lòng, vui vẻ nói:
“Vẫn là em giỏi, có quan hệ. Nhất định em ấy phải gặp em xin lỗi mới được…”
Tôi: “Em không học ở A thị, cũng không học A Đại. Trước khi về nhà, em bắt tàu cao tốc chuyển chuyến mới lên được máy bay. Nên… nói với chị hai, khỏi cần xin lỗi trực tiếp.”
Chị cả rõ ràng không ngờ tôi lại không học ở A thị.
Tôi thầm cười lạnh, cũng may trước giờ tôi luôn giữ kín nơi mình học, chính là để phòng ngày hôm nay.
Thấy thái độ tôi kiên quyết, lạnh lùng, chị cả nhận ra tôi thật sự không muốn dính dáng gì đến gia đình nữa, đành cụp đuôi mà cúp máy.
Tôi nộp giấy chuyển hộ khẩu cho trường, chính thức nhập vào sổ hộ khẩu tập thể.
Tôi đầy hy vọng rằng sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở một công ty, chuyển hộ khẩu về trung tâm nhân lực, rồi dành dụm vài năm đủ tiền cọc mua nhà, lúc đó có thể hoàn toàn định cư ở thành phố này.
Tôi bắt đầu cắt đứt từng phần với gia đình.
Đến cả Tết, tôi cũng thà thuê nhà ở gần trường còn hơn là về quê.
Sau đó tôi sống thêm một năm yên ổn, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ ba mẹ.
Cành vàng lá ngọc nhà họ Chu—tức em trai tôi—sắp thi cao học.
Chuyên ngành nó chọn không tốt, thuộc khối tự nhiên, lại khá kén người, hai môn thi đầu vào đều là đề tự ra.
Nó không biết chọn trường nào, cũng không biết tìm khóa học ở đâu, cả người rối như tơ vò.
Nó và bạn cùng lớp đăng ký học ở một trung tâm, tổng cộng phải đóng ba vạn tám (129tr).
Đây là một khoản không nhỏ, ba mẹ tôi sợ bị lừa nên gọi điện cầu cứu tôi.
Lần này, họ nói chuyện rất cẩn trọng, tôi nói móc vài câu cũng không dám cãi lại.
Tôi thấy nực cười, vì thằng Diệu Tổ, họ đúng là sẵn sàng cúi đầu.
Tôi chẳng muốn tốn sức, chỉ gửi cho nó vài diễn đàn và nhóm chia sẻ tài liệu đáng tin.
Cùng là độ tuổi, cùng là thi cao học, người khác thì tự mình lập kế hoạch, tự tìm đường.
Còn em trai tôi thì, há miệng chờ mớm.
Đáng tiếc là, tôi không có ý định mớm gì cho nó cả.
Tôi tưởng chuyện vậy là xong.
Không ngờ, một tuần sau, tôi lại nhận được cuộc gọi.
Sau một hồi vòng vo, họ nói muốn cho Diệu Tổ thi vào trường tôi học.
Tôi từ chối. Từ trường hạng hai muốn nhảy lên hạng nhất thì quá mạo hiểm.
Tôi không khuyên làm vậy. Dù có chí lớn thì cũng đâu nhất thiết phải học chung với tôi, Thanh Hoa, Bắc Đại, Phục Đán, Chiết Giang, trường nào không được?
Sau đó, họ mấy lần nói muốn gửi lạp xưởng nhà làm cho tôi.
Tôi biết họ đang lần mò thông tin thành phố và địa chỉ của tôi.
Có lẽ là muốn hòa giải? Ai mà biết.
Tôi từng nói rồi, tôi không ngại suy diễn về gia đình mình bằng ác ý lớn nhất.
Tới giờ, tôi vẫn không thay đổi.
Tốt nghiệp xong, tôi chuyển đến một thành phố khác, đúng như mong ước được làm kỹ thuật ở một công ty.
Tôi không nói với họ mình đã đổi thành phố, cũng chẳng hé lộ lương lậu ra sao.
Mỗi năm, tôi chuyển khoản về nhà đúng mức sinh hoạt tối thiểu, coi như báo đáp công sinh thành.
Sau đó, đến lượt thằng em cưới vợ, nhà gái đòi tám vạn tám tiền sính lễ, cả ngũ kim lẫn nhà mới.
Họ không xoay được tiền, lại gọi cho tôi.
Tôi lạnh lùng:
“Để Chu Diệu Tổ trực tiếp nói chuyện với tôi. Mỗi lần đến chuyện của nó là hai người thay nhau làm phát ngôn, là sao?”
Có lẽ những năm qua thái độ lạnh nhạt và dửng dưng của tôi khiến họ cảm thấy sợ.
Ngay cả ba tôi, người xưa nay nóng nảy nhất cũng không dám làm càn trước mặt tôi.
Mẹ tôi gọi em trai tới, nó hiện ra với bộ dạng miễn cưỡng.
Tôi nói thẳng:
“Tôi có thể cho mượn, nhưng phải ký hợp đồng vay nợ, năm năm hoàn trả, không tính lãi. Xem như tôi có tình có nghĩa.”
Mặt em trai lúc trắng lúc xanh, cuối cùng gật đầu thật mạnh.
Mẹ tôi sốt ruột chen vào:
“Ối chao, anh em ruột nói gì vay với trả? Coi như con hiếu kính ba mẹ không được sao?”
Tôi nghiêng đầu, cười khẩy:
“Được thôi. Hàng tháng tôi gửi về hai ngàn, mẹ tính xem số tiền Diệu Tổ vay là mấy tháng tiền phụng dưỡng. Vậy đi, tôi coi như trả gộp một lần. À mà nhớ giữ gìn sức khỏe nha, sống lâu thì mới nhận được nhiều.”
Lời châm biếm lạnh lùng của tôi khiến em trai luống cuống cúp máy.
Cả đời này, tôi bạc duyên với thân thích.
Chưa từng có tình thân, tình yêu cũng chỉ đến rồi đi.
Tôi có lẽ sẽ không lập gia đình, không sinh con.
Tôi nuôi một con mèo, tên là Bù Đinh.
Tôi xem nó như con ruột mà chăm.
Tôi thường nghĩ, có Bù Đinh bên cạnh, tôi cũng không thật sự cô đơn.
Chị cả mấy năm gần đây ít liên lạc với tôi, có lẽ vẫn để bụng chuyện tôi từng ăn nói quá phũ.
Nực cười là, chị hai lại liên lạc với tôi nhiều hơn.
Nghe nói chị ấy làm ở một trung tâm giáo dục tư nhân, giờ đã là tổ trưởng nho nhỏ.
Rời khỏi ràng buộc gia đình, tầm nhìn rộng hơn, chị ấy dần dần hiểu ra vì sao tôi từng quyết tuyệt đến thế.
Có lần trò chuyện, chị ấy nói:
“Năm đó chị ghét em lắm. Chị thấy em có mọi thứ mà chẳng chịu giúp đỡ gia đình. Em giỏi, còn đi học mà đã biết kiếm tiền, vậy mà không chịu bỏ ra một tay. Chị thấy em thật vô tình.”
Tôi cười:
“Thế bây giờ thì sao?”
Chị ấy đáp:
“Ở ngoài sống khó thật. Ra đi rồi càng khó. Cực khổ kiếm tiền, lại bị chính người nhà tính toán. Vất vả tìm được công việc lại bị ba mẹ phá. Giờ chị hiểu, chẳng trách em như con nhím, đề phòng tất cả mọi người. Nếu là chị, chắc còn làm dữ hơn em.”
Tôi ngạc nhiên:
“Họ phá công việc của chị rồi?”
Chị ấy cười khổ:
“Ừ. Lúc yếu lòng, mời họ lên ở vài ngày. Vừa tới đã đòi tiền, không cho thì đến công ty làm loạn. May mà chị vốn định chuyển sang tỉnh bên, đang làm thủ tục nghỉ việc rồi, cũng không ảnh hưởng gì nhiều.”
Tôi không biết nên nói gì. Điều tôi sợ nhất, cuối cùng lại xảy ra với chị hai.
Chúng tôi ăn ý không hỏi địa chỉ của nhau.
Có thể là vì vết thương cũ chưa lành.
Cũng có thể, là thấy chẳng cần thiết nữa.
Dù sao thì… tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Nghĩ tới đây, tôi bế Bù Đinh lên ôm vào lòng, hôn nhẹ một cái:
“Bù Đinh, vẫn là mày tốt nhất.”
-HẾT-